1. Tổng quan bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em
Đau mắt đỏ hay viêm kết mạc mắt là bệnh lý viêm nhiễm cấp tính, phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi. Đây là tình trạng viêm lớp mô mỏng, trong suốt bao phủ lòng trắng mắt và bên trong mi mắt gây sưng đỏ. Do đó, dân gian thường gọi tên là “đau mắt đỏ”.
Tháng 7/2023, Bệnh viện Nhi Trung Ương tiếp nhận gần 50 ca đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) ở trẻ
Đau mắt đỏ thường diễn ra vào mùa hè đến cuối mùa thu, vào mùa mưa, độ ẩm không khí cao hoặc thời điểm giao mùa sức đề kháng yếu, bệnh dễ lây lan và bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Việc điều trị đau mắt đỏ ở trẻ phụ thuộc vào từng tác nhân gây bệnh khác nhau. Nguyên nhân gây đau mắt đỏ có thể là do vi khuẩn, virus hoặc một số tác nhân gây dị ứng, cụ thể:
1.1. Đau mắt đỏ do virus
Adenovirus là loại virus phổ biến gây đau mắt đỏ ở trẻ. Bệnh rất dễ lây lan khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết nước mắt, giọt bắn đường hô hấp hoặc qua các đồ vật bị nhiễm virus.
1.2. Đau mắt đỏ do vi khuẩn
Nhóm vi khuẩn gây đau mắt đỏ ở trẻ có thể kể đến như: Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), Phế cầu khuẩn, Haemophilus influenzae,...Trẻ dễ bị lây nhiễm đau mắt đỏ thông qua việc tiếp xúc với:
-
Giọt bắn đường hô hấp, dịch tiết từ mắt, mũi, miệng của người đau mắt đỏ.
-
Trẻ cho các đồ vật bị nhiễm khuẩn (đồ chơi) vào miệng hoặc trẻ mút ngón tay.
-
Nguồn nước dễ truyền nhiễm mầm bệnh như ao, hồ, bể bơi.
1.3. Đau mắt đỏ do tác nhân gây dị ứng
Một số tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, mạt bụi, lông động vật cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến đau mắt đỏ. Tuy nhiên, trong trường hợp này bệnh không có khả năng lây lan và thường xảy ra theo mùa, rất dễ tái phát.
2. Biểu hiệu đau mắt đỏ ở trẻ em qua các giai đoạn
Mỗi giai đoạn sẽ có những triệu chứng đau mắt đỏ khác nhau. Do đó, bố mẹ cần theo dõi các dấu hiệu điển hình để phát hiện và đưa trẻ đi khám kịp thời. Dưới đây là một số biểu hiện và hình ảnh đau mắt đỏ ở trẻ em điển hình:
2.1. Giai đoạn ủ bệnh
Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu xuất hiện tình trạng sốt nhẹ, mắt hơi đỏ, ngứa kèm theo chảy nước mắt. Đồng thời có hiện tượng mắt đổ ghèn màu vàng xanh hoặc màu xanh vào mỗi buổi sáng khiến trẻ khó mở mắt khi ngủ dậy.
Ngoài ra, ho và đau rát họng, ăn uống kém do nuốt đau cũng là một biểu hiện thường gặp trong giai đoạn này.
Giai đoạn ủ bệnh có thể kéo dài trong vòng 2 - 14 ngày. Lúc này, các triệu chứng còn khá mơ hồ nên bố mẹ khó có thể nhận biết được.
Biểu hiện đau mắt đỏ ở trẻ em trong giai đoạn ủ bệnh: Mắt bé ngứa và chảy nước mắt
Chắc hẳn nhiều mẹ thắc mắc đau mắt đỏ ở trẻ có sốt không? - Có tình trạng sốt nhẹ.
2.2. Giai đoạn toàn phát
Giai đoạn toàn phát tiến triển và kéo dài trong vòng khoảng 5 - 7 ngày với các triệu chứng điển hình nhất, bao gồm:
-
Sưng nề vùng mi mắt, sung huyết, đỏ mắt, ngứa mắt và chảy nước mắt nhiều hơn.
-
Cảm giác cộm, vướng ở mắt như có dị vật nhỏ trong mắt.
-
Lượng ghèn mắt cũng xuất hiện nhiều hơn khiến hai mắt dính lại với nhau gây khó chịu cho trẻ vào mỗi buổi sáng thức dậy.
-
Trẻ nhạy cảm hơn với ánh sáng và sợ ánh sáng.
-
Một số dấu hiệu ít gặp hơn như: xuất huyết dưới kết mạc, viêm họng hạch hoặc xuất hiện hạch ở tay.
Gỉ mắt (Ghèn mắt) khiến mí mắt dính khi đi ngủ và đọng lại khóe mắt khi bé thức dậy
2.3. Giai đoạn hồi phục
Giai đoạn hồi phục của bệnh đau mắt đỏ ở trẻ kéo dài trong 3 - 5 ngày. Các triệu chứng sưng, đỏ, đau giảm dần, phần lòng trắng chuyển dần từ đỏ sang trắng và trở về trạng thái bình thường.
Đau mắt đỏ ở trẻ thường lành tính chỉ có tỷ lệ khoảng 20% gặp các biến chứng do không được chăm sóc đúng cách như: viêm giác mạc, khô mắt, suy giảm thị lực,...
Triệu chứng đau mắt đỏ ở trẻ em giai đoạn hồi phục - lòng trắng mắt chuyển từ màu đỏ dần trở lại màu trắng
3. Hình ảnh đau mắt đỏ ở trẻ em
Các triệu chứng đau mắt đỏ ở giai đoạn đầu khá mơ hồ, rất khó phát hiện và có thể nhầm lẫn với một số bệnh lý khác. Dưới đây là một số hình ảnh đau mắt đỏ ở trẻ em bố mẹ có thể tham khảo:
Dấu hiệu điển hình cảnh báo đau mắt đỏ là phần lòng trắng của mắt chuyển màu đỏ
Hình ảnh đau mắt đỏ ở trẻ em giai đoạn toàn phát - mắt bé có dấu hiệu sưng nề vùng mi mắt
Xuất hiện ghèn bám ở mi mắt ở trẻ đau mắt đỏ
Trẻ bị đau mắt đỏ 1 bên thì khả năng cao sẽ lây sang mắt còn lại
4. Cách điều trị đau mắt đỏ ở trẻ như thế nào?
Chắc hẳn ba mẹ đang lo lắng rằng "Em bé bị đau mắt đỏ phải làm sao?" Phụ thuộc vào các nguyên nhân gây bệnh khác nhau sẽ có phác đồ điều trị riêng. Trẻ bị đau mắt đỏ do virus thì các triệu chứng thường kéo dài trong khoảng 1 - 2 tuần và sẽ tự thuyên giảm.
Nếu đau mắt đỏ do vi khuẩn, trẻ sẽ phải dùng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ kháng sinh. Các triệu chứng của trẻ thường sẽ được cải thiện trong vòng 1 - 2 ngày sau khi điều trị nếu đáp ứng tốt. Phác đồ điều trị kháng sinh bố mẹ cần tuân thủ trong vòng 5 - 7 ngày để ngăn ngừa tái phát và nguy cơ kháng kháng sinh.
Nếu do các tác nhân gây dị ứng thì bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống dị ứng qua đường uống hoặc nhỏ mắt, đồng thời bố mẹ nên hạn chế tối đa việc để trẻ tiếp xúc với các tác nhân này.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên áp dụng thêm các biện pháp chăm sóc tại nhà hợp lý, khoa học để giúp trẻ nhanh chóng hồi phục dưới đây:
4.1. Vệ sinh sạch sẽ đôi mắt của trẻ
Dùng thuốc nhỏ mắt natri clorid 0,9% để vệ sinh mắt, rửa sạch bụi bẩn và ghèn mắt 2 lần/ngày giữ cho mắt trẻ luôn sạch sẽ. Sau đó ba mẹ dùng khăn mềm hoặc bông sạch, cẩn thận lau sạch nước mắt và dịch tiết ra từ mắt trẻ theo thứ tự từ trong ra ngoài và theo một hướng. Cuối cùng thấm khô riêng mỗi mắt để tránh lây nhiễm chéo.
Vệ sinh mắt sạch sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chăm sóc trẻ
4.2. Chườm ấm mắt
Khi trẻ đau nhiều, bố mẹ có thể đắp khăn ấm lên mắt. Nhiệt độ từ khăn ấm sẽ khiến cho các mạch máu tại mắt giãn ra, tăng khả năng lưu thông máu đến vùng mắt nhằm giảm đau hiệu quả và hạn chế kích ứng.
4.3. Giảm thiểu sự lây lan mầm bệnh trong cộng đồng
Hạn chế đưa trẻ ra ngoài và tránh tiếp xúc với người khác để ngăn ngừa bệnh lây lan ra cộng đồng. Đồng thời, tránh để trẻ dụi mắt khiến cho tình trạng viêm nhiễm ngày càng nặng hơn.
Việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng đặc biệt là nhóm vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ chống lại các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, một số loại thực phẩm, rau củ quả tốt cho mắt bố mẹ có thể tham khảo bổ sung thêm để trẻ nhanh hồi phục bao gồm: cà rốt, táo, cherry anh đào, khoai tây bơ,...
Tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất giúp trẻ nhanh chóng hồi phục
Thông qua các hình ảnh đau mắt đỏ ở trẻ em trên đây sẽ giúp bố mẹ phát hiện sớm để có phác đồ điều trị hợp lý, bảo vệ đôi mắt trẻ luôn khỏe.