Chào mừng các bạn đến với trường mầm non Hùng Vương
Cập nhật : 6:14 Thứ ba, 3/10/2023
Lượt đọc: 1059

Quy chế đảm bảo an toàn trường học, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ

Số/Ký hiệu: Số 65/QĐ-MNHVNgày ban hành: 3/10/2025
Ngày hiệu lực: 3/10/2023Người ký: Vũ Thị Thu Hà
Trích yếu: Quy chế
Nội dung:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định về hoạt động đảm bảo an toàn trường học, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ trong trường mầm non bao gồm: Mục tiêu, nội dung và cách tổ chức thực hiện.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng cho các lớp, các bộ phận trong trường mầm non Hùng Vương.

 

Chương II

MỤC TIÊU, NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

 

Điều 3. Mục tiêu

- Hoạt động đảm bảo an toàn trường học, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ trong trường mầm non nhằm đảm bảo an toàn thân thể, vệ sinh, phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, giúp trẻ em phát triển tốt nhất về thể chất và tinh thần.

- Nâng cao trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường đối với sức khỏe và sự an toàn của trẻ em.

- Thực hiên tốt về an toàn trường học và phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ để xây dựng môi trường xanh – an toàn – thân thiện; góp phần xây dựng “Trường học thân thiên, học sinh tích cực”.

Điều 4. Nội dung hoạt động

  1. Quản lí và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trong trường, cụ thể là:

a) Quản lí, lưu hồ sơ hoặc sổ theo dõi sức khỏe của trẻ;

b) Tổ chức khám sức khỏe định kì và phân loại sức khỏe cho trẻ em ít nhất mỗi năm 01 lần vào đầu năm; cân đo, đánh giá sự phát triển thể chất của trẻ theo quy định hiện hành; theo dõi, phối hợp với cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ trong việc tiêm chủng, uống vắc xin phòng bệnh;

c) Sơ cứu, cấp cứu, chăm sóc sức khỏe ban đầu theo quy định hiện hành của Bộ Y tế. Chuyển trẻ em bị tai nạn và ốm đau đột xuất đến cơ sở y tế trong trường hợp cần thiết;

d) Giáo dục vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường cho trẻ;

2) Tổ chức thực hiện vệ sinh học đường, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống tai nạn thương tích.

3) Kiểm tra các thiết bị an toàn trong trường như ổ điện, các nguồn nước, các nơi không an toàn dễ gây nguy hiểm cho trẻ.

4) Tuyên truyền tập huấn cho cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên về công tác phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ. Lồng ghép các nội dung giáo dục về an toàn giao thông, đội mũ bảo hiểm cho trẻ 5 tuổi đến cha mẹ trẻ.

5) Phối hợp với các đơn vị, tổ chức, đoàn thể trong nhà trường, chính quyền địa phương để triển khai, thực hiện các hoạt động về đảm bảo an toàn trường học và phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ.

6) Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên về công tác đảm bảo an toàn trường học và phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ.

7) Có sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả công tác đảm bảo an toàn trường học và phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ.

 

Chương III

                QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC

 

Điều 5. Ban chăm sóc sức khỏe có trách nhiệm đảm bảo an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ gồm: 07 người

          (Có danh sách kèm theo)

Chương IV

QUY CHẾ VỀ HOẠT ĐỘNG

 

Điều 6. Nhiệm vụ , quyền hạn của các thành viên

a) Nhiệm vụ, trách nhiệm của trưởng ban:

- Chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động của nhà trường, đảm bảo về sức khỏe cũng như an toàn tuyệt đối thân thể cho trẻ trong thời gian ở trường.

- Xây dựng kế hoạch, phương án và điều hành tổ chức thực hiện đảm bảo an toàn, phòng, chống thương tích cho trẻ trong trường mầm non.

- Phân công quản lý, kiểm tra công tác giáo viên, nhân viên thực hiện đảm bảo an toàn, phòng, chống thương tích cho trẻ trong trường mầm non.

- Quy rõ trách nhiệm, quy trình xử lý khi có hiện tượng mất an toàn, tai nạn thương tích cho trẻ trong trường.

b) Nhiệm vụ, trách nhiệm của phó ban:

- Là người giúp việc cho trưởng ban, chịu trách nhiệm trước trưởng ban về những việc được phân công.

- Triển khai các hoạt động về công tác đảm bảo an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ.

- Kiểm tra về cơ sở vật chất, các thiết bị an toàn trong trường. Giám sát công tác thực hiện đảm bảo an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ của các bộ phận trong trường.

c) Nhiệm vụ, trách nhiệm của giáo viên đứng lớp:

- Chăm sóc trẻ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ ở mọi lúc mọi nơi trong thời gian trẻ ở trường; không đánh, mắng, quát trẻ.

- Kiểm tra đồ dùng đồ chơi đảm bảo phải an toàn, không sử dụng những đồ chơi, vật sắc nhọn. Đồ dùng dao, kéo của cô có tủ để riêng và xa tầm với của trẻ.

- Kiểm tra các thiết bị điện, nước, ổ cắm, nhà vệ sinh…. , nếu thấy không an toàn phải báo ngay với nhà trường. Giáo viên là người chịu trách nhiệm trước các hiện tượng không an toàn của lớp đối với trẻ.

- Giáo viên phải có mặt ở lớp trong giờ làm việc.

- Giáo viên lưu ý trẻ bị ốm, mệt kết hợp với phụ huynh theo dõi.

- Tuyên truyền với phụ huynh và trẻ về cách phòng chống tai nạn thương tích. Tuyên truyền về luật giao thông, giáo dục trẻ 5 tuổi đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

d) Nhiệm vụ, trách nhiệm của thủ kho, thủ quỹ, kế toán:

- Có trách nhiệm theo dõi nhập, xuất các loại tài sản theo quy định. Quản lý sắp xếp tài sản trong kho đảm bảo an ninh an toàn.

- Phối hợp cùng nhà trường thực hiện tốt công tác an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong trường học.

e) Nhiệm vụ, trách nhiệm của cô nuôi:

- Thực hiện nghiêm túc việc mua bán và chế biến thực phẩm. Chế biến đúng theo quy trình bếp một chiều, đảm bảo tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Vệ sinh bếp, quàn áo, vệ sinh cá nhân, dụng cụ nấu, chia ăn sạch sẽ hợp vệ sinh không để xẩy ra dịch bệnh cho trẻ.

- Khi có dấu hiệu dịch bệnh phải kết hợp với các bộ phận khác ngăn chặn kịp thời.

- Nếu để xẩy ra hiện tượng mất vệ sinh, không đảm bảo an toàn thực phẩm, dịch bệnh do thực phẩm thì nhân viên nhà bếp hoàn toàn chịu trách nhiệm.

           f) Nhiệm vụ, trách nhiệm của bảo vệ:

- Bảo vệ tài sản chung của nhà trường, tài sản của cán bộ giáo viên nhà trường.

- Tham gia giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn trong nhà trường.

- Tham gia vào đội phòng cháy chữa cháy, đội phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn của nhà trường.

- Trông coi xe đạp, xe máy cho cán bộ, công nhân viên nhà trường và phụ huynh, có vé gửi xe. Nếu mất xe phải có trách nhiệm bồi thường. Nhắc nhở phụ huynh để xe đúng nơi quy định, không đi xe trong sân trường tránh gây tai nạn, bỏng bô xe cho trẻ.

- Kết hợp cùng giáo viên đảm bảo an toàn cho trẻ, không để trẻ ra khỏi cổng khi không có người đón.

g) Nhiệm vụ, trách nhiệm của lao công:

- Chịu trách nhiệm làm vệ sinh sạch sẽ sân vườn, không để dụng cụ mất an toàn khu vực vườn, sân chơi của trẻ. Cùng nhà trường thực hiện tốt công tác an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ.

h) Nhiệm vụ và trách nhiệm của CTCĐ – Ban TTND – Tổ trưởng chuyên môn:

- Chịu sự phân công của trưởng ban và chủ động lên kế hoạch công tác của tổ, triển khai thực hiện kế hoạch có hiệu quả.

- Các tổ chức đoàn thể trong trường có trách nhiệm tổ chức họp 1 tháng 1 lần để thống nhất công việc của tổ, đáng giá công tác an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ của tổ mình.

- Tham mưu với ban chỉ đạo để xây dựng kế hoạch, quy chế thực hiện đảm bảo an toàn, phòng, chống thương tích cho trẻ và phối hợp tổ chức thực hiện kế hoạch có hiệu quả.

- Nắm ý kiến của các tổ viên để phản ánh lại với ban chỉ đạo một cách kịp thời khi cần thiết.

- Cùng với ban chỉ đạo nhà trường xử lý khi có hiện tượng mất an toàn, tai nạn thương tích xảy ra trong trường.

i) Nhiệm vụ và trách nhiệm của cha mẹ trẻ:

- Chấp hành và tuân theo các nội quy, quy định của nhà trường về công tác an

toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ.

- Đưa đón con đúng giờ và đưa trẻ tận tay cô giáo, không để trẻ tự ý đi từ cổng vào một mình.

- Luôn trao đổi về tình hình sức khỏe của trẻ với giáo viên. Phối hợp cùng nhà trường làm tốt công tác an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ.

Bản quy chế này được hoàn thành ngày  03/10/2022 và thay thế quy chế kèm theo quyết định số 57/QĐ-MNHV ngày 05/11/2018.

Địa chỉ: Số 11 - Trương Văn Lực - Hùng Vương - Hồng Bàng - Hải Phòng

Điện thoại 0225.850186 - 0225.538405