II. Mô tả sáng kiến
1. Tình trạng giải pháp đã biết
Dinh dưỡng là nhu cầu sống hàng ngày của mỗi người, việc ăn uống là cần thiết, cấp bách không thể thiếu, nó đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa sự tăng trưởng, phát triển thể chất và trí não của trẻ. Do đó, một chế độ ăn uống hợp lý giúp cung cấp đầy đủ năng lượng, chất dinh dưỡng theo những nhu cầu dinh dưỡng được đề ra và đảm bảo cân bằng giữa các chất dinh dưỡng là rất cần thiết. Chính vì thế, vấn đề chăm sóc nuôi dưỡng trẻ ở độ tuổi mầm non đã được xác định là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của các nhà trường. Là những người quản lý, phụ trách công tác chăm sóc nuôi dưỡng chúng tôi đã tham khảo rất nhiều sáng kiến về xây dựng thực đơn cân đối, đảm bảo dinh dưỡng của tất cả các trường Mầm non được đăng tải trên thư viện điện tử VN.doc để học hỏi như:
Sáng kiến “Xây dựng thực đơn đảm bảo calo, cân đối dưỡng chất giúp tăng cường thể lực cho trẻ mầm non” của tôi đang áp dụng tại trường từ năm 2018 đến nay cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, đó là nhà trường đã quan tâm công tác nuôi dưỡng trẻ, đầu tư nhiều cơ sở vật chất hiện đại, tôi đã xây dựng được bộ thực đơn đảm bảo calo, cân đối tỉ lệ dưỡng chất theo quy định rất thuận tiện cho nhân viên nấu ăn chủ động đi chợ, gọi thực phẩm, thể lực của trẻ được cải thiện, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng năm sau giảm so năm trước.
Sáng kiến “Biện pháp chỉ đạo nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng trẻ trong trường mầm non” của trường mầm non Bình Minh, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội áp dụng từ 2018 đến 2019; tác giả tập trung vào việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh về tầm quan trọng của nuôi dưỡng trẻ; xây dựng kế hoạch chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, bổ sung cơ sở vật chất, xây dựng thực đơn, tăng cường kiểm tra….
Cả hai sáng kiến đều đã nêu rõ được tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nuôi dưỡng trẻ, chỉ ra được vấn đề cốt lõi trong nâng cao chất lượng là phải xây dựng được bộ thực đơn đảm bảo calo, cân đối dưỡng chất, lựa chọn thực phẩm tươi ngon…. Nhưng cả hai sáng kiến chủ yếu tập chung vào một phía là người nuôi dưỡng trẻ (CBGVNV, phụ huynh), còn người tiếp nhận các giải pháp đó như thế nào cho hiệu quả thì chưa được quan tâm đề cập đến (đứa trẻ).
2. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận sáng kiến
2.1. Tính cấp thiết
Mỗi chúng ta ai cũng biết: “Sức khỏe là vốn quý nhất của con người”. Đặc biệt là đối với trẻ mầm non, sức khỏe của trẻ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Chế độ dinh dưỡng, phòng bệnh, di truyền, môi trường, cách chăm sóc nuôi dưỡng… Giai đoạn lứa tuổi mầm non là cơ thể trẻ phát triển rất nhanh, các cơ quan của cơ thể đang trên đà hoàn thiện. Thiếu ăn, ăn không đủ chất, dinh dưỡng không hợp lý kể cả thiếu hoặc thừa đều ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ, do đó việc quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý là cần thiết. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng là yếu tố có vai trò quyết định, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển về thể lực và trí lực của trẻ thì việc chăm sóc, nuôi dưỡng, tổ chức cho trẻ ăn đúng cách sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn. Nuôi dưỡng tốt là phải cho cơ thể có đủ chất dinh dưỡng, mà cách tốt nhất là cho trẻ có những bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, đủ lượng, đủ chất. Để giúp trẻ có hứng thú tiếp nhận, chuyển hóa hết những bữa ăn đủ chất đó một cách hứng thú thì cần phải có cách tổ chức giờ ăn sao cho kích thích trẻ ăn ngon miệng, hết xuất, luôn háo hức khi được ăn các món tại trường (Tiếp cận đến trẻ là người ăn các món ăn đó).
Tuổi mầm non là giai đoạn hình thành các thói quen, tập quán ăn uống và nhân cách của trẻ. Sức khỏe liên quan mật thiết với sự phát triển con người, sức khỏe tốt tạo điều kiện cho con người phát triển thể chất, học tập và lao động. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy trí nhớ, sự chú ý, sự cần cù trong học tập phụ thuộc rất nhiều vào trạng thái chung của sức khỏe và thể lực; còn các nề nếp, thói quen, kỹ năng tốt thì thường bộc lộ trong quá trình ăn. Chính vì vậy, để giúp trẻ của nhà trường có một thể lực tốt, có các kỹ năng ăn uống văn minh nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, hòa nhập vào xã hội hiện đại chúng tôi đã trăn trở muốn tìm một giải pháp mới để thúc đẩy chất lượng nuôi dưỡng trẻ tại đơn vị. Bên cạnh đó năm học 2020 – 2021 Bộ Giáo dục triển khai thực hiện đề án “Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh và sinh viên Việt nam” đặt tại trường tôi là đơn vị đối ứng của mô hình thí điểm này. Sau khi được các chuyên gia dinh dưỡng của Viện dinh dưỡng tập huấn chúng tôi đã chọn giải pháp: “Tăng cường dinh dưỡng hợp lý, thay đổi hình thức tổ chức giờ ăn giúp nâng cao chất lượng nuôi dưỡng trẻ trong trường mầm non“.
2.2. Tính mới
Trong giải pháp “Tăng cường dinh dưỡng hợp lý, thay đổi hình thức tổ chức giờ ăn giúp nâng cao chất lượng nuôi dưỡng trẻ trong trường mầm non“, khi triển khai thực hiện chúng tôi thấy có 3 tính mới thể hiện rõ nét nhất:
Tính mới 1: Tăng cường dinh dưỡng hợp lý phù hợp với trẻ và điều kiện của nhà trường
Ở lứa tuổi mầm non, não bộ và thể chất của trẻ phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, trẻ cần rất nhiều năng lượng đảm bảo các hoạt động vui chơi, học tập ở trường. Do đó trẻ em trong độ tuổi mầm non rất cần được chăm sóc bởi một chế độ dinh dưỡng hợp lý, phù hợp với trẻ, khoa học và đúng cách. Các dưỡng chất quan trọng sẽ giúp cho sự hoàn thiện và phát triển của cơ thể. Việc cân đối chế độ ăn uống phù hợp với trẻ là cực kỳ quan trọng.
Nguyên tắc khi thiết lập chế độ dinh dưỡng cho trẻ là bữa ăn cần đảm bảo nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết với tỷ lệ cân đối và hợp lý; đảm bảo tính đa dạng về giá trị dinh dưỡng. Mỗi bữa không chỉ cần có đủ các nhóm thực phẩm mà ngay trong cùng nhóm thực phẩm cũng nên thay thế nhiều loại khác nhau kể cả thịt, ngũ cốc hay rau quả. Vì thế mỗi thực đơn ở trường chúng tôi thường phối hợp nhiều loại thực phẩm (có từ 25 đến 27 loại). Để đảm bảo nguyên tắc xây dựng thực đơn trong thời gian dài ngày nhằm giúp cho việc điều hòa khối lượng thực phẩm và tổ chức công việc chế biến tôi đã xây dựng 10 thực đơn với các món ăn không trùng nhau. Các món ăn tại trương luôn phải phong phú về màu sắc, mùi vị, nấu nướng ở nhiệt độ thích hợp để đảm bảo dưỡng chất. Số bữa ăn và giá trị năng lượng của từng bữa chúng tôi dựa theo yêu cầu của từng độ tuổi để tính toán đưa ra cho phù hợp với trẻ và thực tế mức tiền ăn tại trường.
Ví dụ: Trường tôi có mức tiền ăn là 25.000đ tuy không cao lắm nhưng chúng tôi vẫn cân đối chọn lượng Kcal ở mức tối đa cho trẻ mẫu giáo là 726; cơ cấu dưỡng chất ở mức đạm cao, giảm bột đường (P=15, L=30,G=55) ta có công thức tính lượng các chất như sau:
P=(726x15):100=109:4=27g (1g chất đạm cung cấp 4 Kcal)
L=(726x30):100=217:9= 24g (1g chất béo cung cấp 9 Kcal)
G=(726x55):100=399:4= 100g (1g chất bột đường cung cấp 4 Kcal)
* Cân bằng các chất dinh dưỡng
Tính tỉ lệ P động vật-thực vật: P động vật: (27gx60):100=16g
P thực vật: 27-16=11g
Tính tỉ lệ L động vật-thực vật: L động vật: (24gx70):100=17g
L thực vật: 24-17=7g
Như vậy một ngày ở trường trẻ cần 16g đạm động vật, 11g đạm thực vật, 17g mỡ động vật, 7g dầu thực vật.
Vì vậy để vừa đảm bảo Kcal cho từng bữa mà dưỡng chất cân đối như công thức tính ở trên thì trong mỗi thực đơn phải lựa chọn, kết hợp thực phẩm thật khéo léo; người xây dựng thực đơn phải nắm được dưỡng chất của từng thực phẩm, biết nhóm thực phẩm nào có ưu thế, hạn chế gì có thể kết hợp bổ sung cho nhau giúp tăng cường dinh dưỡng trong món ăn. Khi xây dựng thực đơn và chế biến món ăn cần lưu ý đến sự phù hợp của món ăn đối với trẻ đồng thời đảm bảo đủ mức đóng góp tiền ăn.
Tính mới 2: Bổ sung lượng rau xanh, quả chín vào thực đơn cho trẻ để cân bằng đạm thực vật giúp giảm tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì
Rau xanh cung cấp rất nhiều yếu tố vi lượng, cũng như các chất bảo vệ, giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng. Những lợi ích tuyệt vời của rau củ quả đã được khoa học chứng minh là cực kỳ cần thiết đối với sức khỏe của người lớn cũng như trẻ em trong bữa ăn hàng ngày, nó đóng một vai trò rất quan trong trong sự phát triển cả về thể lực cũng như trí lực của trẻ. Nếu trẻ chỉ ăn các sản phẩm thịt trong chế độ ăn hàng ngày có thể khiến cơ thể trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng vì đã loại trừ một số lượng đáng kể các chất dinh dưỡng mà cơ thể trẻ cần để hoạt động và phát triển đúng cách.
Một em bé quá lười ăn rau xanh trong chế độ ăn uống hàng ngày có thể gây nhiều nguy hại cho sức khỏe của bé ngay từ bây giờ và cả sau này.
Rau xanh có tầm quan trọng như vậy nhưng trẻ lại là đối tượng rất lười ăn rau, quả. Những năm học trước lượng rau trẻ ăn trong ngày tại trường tôi chỉ khoảng 40- 50g mà cũng chỉ chế biến trong một món canh, do đó có những món canh trẻ ăn thừa rất nhiều rau, bỏ đi một cách lãng phí.
Theo viện dinh dưỡng quốc gia trẻ em cần ăn 120 – 150g rau, quả trong ngày (Ở trường khoảng 80 – 100g). Chính vì thế năm học 2020 – 2021 tôi đã tăng cường lượng rau xanh, quả chín vào trong thực đơn cho trẻ đủ theo nhu cầu khuyến nghị của viện dinh dưỡng. Có những loại rau trẻ không thích ăn nếu như chỉ nấu một loại với định lượng như khuyến nghị thì trẻ sẽ không ăn hết do đó tôi tiếp tục áp dụng giải pháp “Bữa ăn cầu vồng” có nghĩa là kết hợp nhiều loại rau với những màu sắc khác nhau.
Ví dụ: Khi xây dựng thực đơn lượng rau được tăng lên gấp đôi so với năm trước thì không chỉ nấu 1 loại với 1 món canh mà thường phối hợp 3 - 4 loại rau trong bữa ăn; chế biến ngoài món canh còn có thêm món rau xào (hoặc luộc) để kích thích trẻ ăn hết lượng rau. Mỗi ngày thực đơn của trẻ được tôi lựa chọn với các loại rau có màu sắc khác nhau để tạo ra bữa ăn có màu sắc hấp dẫn, canh là rau màu xanh thì rau xào hoặc luộc sẽ là củ quả có màu sắc như su su, cà rốt, bí đỏ, củ cải, đỗ cove. Nếu là món canh củ, quả thập cẩm thì rau xào sẽ là rau xanh…..
Theo các chuyên gia, bé ăn nhiều rau củ quả thường có trọng lượng cơ thể thấp hơn các bé khác. Chế độ ăn uống giàu rau củ chứa lượng calo và chất béo thấp hơn, từ đó ngăn chặn tình trạng béo phì xảy ra sớm ở bé. Bữa ăn cầu vồng chính là giải pháp giúp phòng chống bệnh tật, giúp giảm cân hiệu quả, đặc biệt với trẻ thừa cân, béo phì. Thực tế trong xã hội phát triển hiện nay nguy cơ trẻ thừa cân, béo phì tại các trường đang có chiều hướng gia tăng do trẻ được nuôi dưỡng với những bữa ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn nhiều đạm, ít rau. Do đó giải pháp bổ sung lượng rau xanh, quả chín vào thực đơn cho trẻ để cân bằng đạm thực vật giúp giảm tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì là rất cần thiết, qua một học kỳ thực hiện tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì của nhà trường giảm từ 7% xuống còn 5%.
Tính mới 3: Tăng cường các hoạt động thể chất, tận dụng môi trường ngoài trời cho trẻ tham gia tắm nắng giúp ăn ngon miệng và phát triển thể lực tốt hơn
Theo nghiên cứu của viện Dinh dưỡng Quốc gia, có mối liên quan giữa tình trạng lười vận động với thừa cân béo phì ở trẻ em. Khi vận động tim hoạt động tích cực hơn, máu mang nhiều oxy, dưỡng chất cần thiết đến nuôi dưỡng các bộ phận trong cơ thể để trẻ có thân hình cân đối. Trẻ vận động đúng cách còn kích thích cơ quan tiêu hóa làm việc tốt hơn giúp ăn ngon miệng và hấp thu dưỡng chất hiệu quả nhất.
Trong thời gian qua, để giảm tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì ngoài việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, phối hợp nhiều loại thực phẩm, đặc biệt tăng cường ăn nhiều rau xanh, tôi kết hợp với chuyên môn tăng cường hoạt động ngoài trời, tận dụng sân trường rộng cho trẻ thỏa thích được chạy nhảy, tham gia các bài tập thể dục, các trò chơi đá bóng, ném bóng, kéo co, nhảy bao bố…. Lợi thế của nhà trường là có nhiều ánh nắng, nhưng nếu để hoạt động ngoài trời đúng theo chế độ sinh hoạt là sau giờ học 9h15 thì sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ vì thế tôi đề xuất thay đổi thời gian lên sau hoạt động thể dục sáng (sau 8h) cho trẻ hoạt động ngoài trời kết hợp tắm nắng giúp trẻ hấp thụ VitaminD, cải thiện tầm nhìn phòng tránh bệnh về mắt như cận thị, viến thị….
2.3. Tính sáng tạo
Trong giải pháp của tôi bên cạnh 3 tính mới thì việc thay đổi hình thức tổ chức giờ ăn giúp trẻ ăn đủ lượng, đủ chất, kích thích ăn ngon miệng và hình thành các kỹ năng tốt là tính sáng tạo nhất. Để thực hiện được việc thay đổi hình thức tổ chức giờ ăn đã theo lối mòn, thành thói quen của giáo viên và trẻ tôi đã nghiên cứu lựa chọn hình thức tổ chức giờ ăn mới giúp trẻ hứng thú, kích thích ăn ngon miệng, hấp thu dưỡng chất tốt hơn; hình thành cho trẻ một số kỹ năng văn minh trong khi ăn như biết tự lấy đủ khẩu phần ăn, ăn đủ các nhóm thực phẩm, khéo léo khi tự lấy thức ăn, biết chờ đợi đến lượt....
Theo một số nghiên cứu sự thay đổi trạng thái ăn, khu vực ăn, hình thức ăn, tạo tâm thế tốt sẽ kích thích tiêu hóa, hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn. Từ trước đến nay giáo viên tổ chức giờ ăn theo một lối mòn, trẻ ăn tại lớp, ngồi bàn cô chia cơm, thức ăn vào bát theo lượng mà giáo viên ước lượng theo thói quen, có bát nhiều, bát ít. Nay trẻ được thay đổi vị trí ăn (không nhất thiết ăn tại lớp, trẻ được ăn tại không gian mới sẽ hấp dẫn, phấn khởi hơn), để đảm bảo trẻ ăn đúng lượng theo độ tuổi, hình thành một số kỹ năng tốt cần phải tìm ra được tính sáng tạo nhất đáp ứng được mục đích của giải pháp.
Để thực hiện được điều này trước tiên tôi xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể, áp dụng triển khai thử nghiệm tại 2 lớp A1, A2. Khi thực hiện giải pháp chúng tôi gặp phải khó khăn đó là tại cơ sở chỉ có mỗi trẻ 1 bát, khi ăn để chung cơm, thức ăn hoặc cơm, canh vì thế khi trẻ ăn chậm thường bị vữa, không ngon. Định lượng của trẻ chia theo thói quen của giáo viên. Theo các chuyên gia dinh dưỡng để các món riêng trẻ ăn đến đâu xúc đến đó sẽ ngon hơn, hiệu quả hơn.
Trước vướng mắc đó, chúng tôi đưa ra giải pháp tìm dụng cụ đong thức ăn phù hợp với định lượng xuất ăn của mỗi trẻ thay thế cho việc cân vừa mất thời gian, vừa phụ thuộc vào giáo viên không phát huy tính tự lập của trẻ. Vấn đề ăn để riêng từng món được giải quyết thay thế bằng khay 4 ngăn. Nếu thay đổi vị trí ăn tại khu vực hành lang sân khấu để tạo hứng thú cho trẻ thì giáo viên phải di chuyển bàn ghế sẽ rất vất vả do đó đề xuất nhà trường sắm 40 bàn, 70 ghế riêng để tại khu vực tổ chức giờ ăn để giúp giảm tải sự di chuyển vất vả của giáo viên. Chúng tôi trao đổi với Ban đại diện cha mẹ trẻ về kế hoạch của giải pháp, mong muốn có sự ủng hộ, hỗ trợ về cơ sở vật chất để thực hiện giải pháp một cách tốt nhất. Ban đại diện rất tán thành kế hoạch của chúng tôi và đã kêu gọi phụ huynh ủng hộ 100 chiếc khay để triển khai thực hiện thí điểm thay đổi hình thức tổ chức giờ ăn. Bên cạnh đó, muốn giải pháp thành công thì cần có sự kết hợp giữa nhân viên nấu ăn và giáo viên trên lớp. Nhân viên bếp nấu các món ăn cân đối dinh dưỡng hợp lý, tăng cường lượng rau xanh; giáo viên trao đổi với trẻ về cách thay đổi hình thức giờ ăn khác mọi ngày như khu vực ăn, đồ dùng để ăn, cách chuẩn bị bàn ăn, cách lấy thức ăn, cách ăn...; trong hoạt động góc hướng dẫn trẻ làm lọ hoa chuẩn bị cho giờ ăn, từ đó càng tạo cho trẻ thêm phấn kích, háo hức chờ đợi đến giờ ăn.
Sau khi triển khai thực hiện thành công ở 2 lớp A1, A2 tôi cho triển khai đồng bộ toàn trường và đã mời Phòng Giáo dục và Đào tạo dự cùng thảo luận rút kinh nghiệm, góp ý phát huy mặt được, cải tiến vấn đề còn vướng mắc; Phòng Giáo dục đánh giá cao kết quả đạt được của giải pháp.
2.4. Khả năng áp dụng, nhân rộng:
Sáng kiến trên đã áp dụng thành công tại trường tôi và có khả năng nhân rộng cho tất cả các trường trong quận, trong thành phố, vùng miền trong cả nước. Nếu các trường biết tận dụng các nguồn lực, điều kiện sẵn có của nhà trường để thực hiện giải pháp thì chất lượng nuôi dưỡng trẻ trong trường mầm non sẽ ngày càng được nâng cao, đáp ứng xu thế phát triển của thời đại.
2.5. Hiệu quả, lợi ích thu được do áp dụng giải pháp
Hiệu quả về mặt kinh tế
Nếu như ta có một chế độ nuôi dưỡng trẻ tốt, hợp lý về dinh dưỡng, vận động đúng cách, tổ chức giờ ăn khoa học giúp trẻ hấp thu hiệu quả dưỡng chất thì tỉ lệ suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì giảm, sức khỏe, sức đề kháng của trẻ được nâng cao, trẻ khỏe mạnh không ốm đau là niềm hạnh phúc của mọi gia đình. Trẻ mầm non sức đề kháng yếu, là đối tượng rất dễ nhiễm bệnh khi thời tiết thay đổi hay có dịch bệnh bùng phát, chính vì thế, việc nuôi dưỡng trẻ khỏe mạnh giúp chi phí tiền khám bệnh, tiền thuốc giảm trong các bậc phụ huynh. Dự kiến tính trung bình mỗi trẻ nếu ốm thì chi phí tiền thuốc, tiền khám khoảng ít nhất 300.000 – 500.000/ lần. Thực tế cho thấy nếu nuôi dưỡng trẻ với chế độ dinh dưỡng không tốt sẽ rất hay ốm. Chi phí tiền thuốc cha mẹ bỏ ra khoảng 500.000đ x 5 lần ốm (Tính trung bình lần ốm trong năm) = 2.500.000đ chưa kể khi trẻ ốm còn phát sinh các khoản tiền ăn bồi dưỡng, thuốc bổ…. ). Chất lượng nuôi dưỡng trẻ tốt, sức khỏe được nâng lên trẻ không phải đến bệnh viện thì sẽ giảm gánh nặng cho bảo hiểm y tế cũng như các dịch vụ xã hội khác. Đồng thời việc trẻ khỏe mạnh đi học đều cha mẹ không phải nghỉ làm điều đó giúp kinh tế các gia đình được ổn định.
Ngoài ra, khi triển khai giải pháp chúng tôi đã nhận được sự đồng lòng hỗ trợ của Ban đại diện cha mẹ trẻ cùng phụ huynh về cơ sở vật chất, ủng hộ 100 chiếc khay inoc cho trẻ ăn trị giá 5.500.000 đồng.
Hiệu quả về mặt xã hội:
Với sáng kiến này hiệu quả kinh tế không cao nhưng nó lại vô cùng quan trọng vì lợi ích, sức khỏe của trẻ là lâu dài. Trẻ có một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý sẽ giúp khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng, chống lại dịch bệnh là điều không chỉ cha mẹ mà cả xã hội mong đợi (Đặc biệt trong giai đoạn này rất cần cho trẻ sức đề kháng tốt để phòng, chống dịch Covid-19).
Việc thực hiện tốt, đồng bộ các biện pháp đã góp phần nâng cao sức khỏe cho trẻ, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì của trường chúng tôi ngày càng giảm thấp theo thời gian áp dụng giải pháp (Đợt 1tỉ lệ suy dinh dưỡng mức vừa và nặng: 5%, thừa cân béo phì: 2%; Đợt 2 suy dinh dưỡng mức vừa là 3% không còn mức nặng, thừa cân béo phì : 1,5%). Chính nhờ thể lực của trẻ được tăng lên, trẻ khỏe mạnh có sức khỏe tham gia tốt các hoạt động. Số trẻ ra trường ngày một tăng cao, tỉ lệ đi học chuyên cần đạt trên 93%. Trẻ phát triển một cách toàn diện chính là nguồn cung cấp nhân lực khỏe về tâm hồn, sáng về trí tuệ, là công dân có ích cho xã hội mai sau.
Thành công nhất trong sáng kiến của tôi là trẻ khỏe mạnh được tham gia nhiều hoạt động từ đó các bậc phụ huynh, nhân dân quanh khu vực tin tưởng vào công tác chăm sóc giáo dục trẻ của nhà trường, năm nay tỉ lệ học sinh ra lớp của nhà trường tăng 109% so với kế hoạch phát triển giáo dục, góp phần hoàn thành chỉ tiêu công tác phổ cập giáo dục của địa phương.